Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn Độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn” về quyền con người, quyền dân tộc cơ bản của các dân tộc trên thế giới, khẳng định quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân ta là quyền độc lập, tự do; là khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền tự do độc lập ấy.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội giành thắng lợi. Ngày 21/8/1945, nhiều ủy viên Trung ương Đảng đã về Hà Nội. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh đã Từ khu giải phóng Việt Bắc về trú đóng tại số nhà 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội, chiều 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ tọa phiên họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tổ chức tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, để bàn những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước cách mạng. Từ ngày 28/8/1945, theo sự phân công của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhằm huy động trí tuệ tập thể, ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến vào văn kiện lịch sử quan trọng này. Ngày 31/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định bổ sung một số điểm, hoàn chỉnh bản bản Tuyên ngôn.
Và đúng 14 giờ tại Quảng trường (nay gọi là quảng trường Ba Đình), trong không khí trang nghiêm của bài hát Tiến quân ca, lá cờ đỏ sao vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể Nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời. Đây văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam nói chúng và quê hương Nghệ An nói riêng.
Tạo ra thế và lực để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại
Tuyên ngôn Độc lập là cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong Đường kách mệnh, trong Chánh cương vắn tắt, trong Luận cương chính trị, trong các văn kiện khác của Đảng cũng như của Mặt trận Việt Minh. Và là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của Nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta.
Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do; là thành quả, sự hi sinh, sức mạnh của toàn thể nhân dân. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc. Đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính nhân dân rất sâu sắc, thật sự là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Vì vậy, bản Tuyên ngôn Ðộc lập đã khẳng định tính đúng đắn về con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là giành độc lập cho dân tộc để mưu cầu tự do hạnh phúc cho nhân dân. Nghĩa là, giành độc lập là để dân làm chủ, để xây dựng chính quyền cách mạng mới của nhân dân, xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc.
Với Tuyên ngôn Độc lập, một nước Việt Nam hồi sinh sau bao mất mát, hy sinh tiếp tục hướng đến tương lai tươi sáng, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng” để trong hành trình cách mạng luôn “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”, coi lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất. Điều này có ý nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đã luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước có quá khứ là thù địch nhưng công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn còn trực tiếp tạo ra chỗ dựa đáng tin cậy cho cuộc cách mạng của nhân dân Lào và Campuchia anh em và góp phần làm thay đổi cục diện chính trị ở Ðông Nam Á. Nó cổ vũ và cung cấp kinh nghiệm thành công cho nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Điều này khẳng định rằng cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới . Vì vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ việc khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc. Bản Tuyên ngôn độc lập một lần nữa khẳng định ý chí không gì lay chuyển; khẳng định triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam đang phấn đấu, rằng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc ra đời bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại, kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hơn 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao. Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm HDI cao của thế giới.Việt Nam đã và đang ngày càng chủ động và tham gia tích cực tại Liên hợp quốc về quyền con người, đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, tham gia vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người, đóng góp tích cực trong các Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư. Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới; gia nhập và tích cực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia có hiệu quả các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế trên nhiều cấp độ.
Trong điều kiện mới, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa." Với khát vọng phát triển đất nước hùng cường, quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng là "bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc". Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới cả bề rộng và chiều sâu với một trình độ và chất lượng mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất."
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, cho đến khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 100 năm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), tình hình thế giới sẽ tiếp tục còn nhiều thay đổi rất nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng chắc chắn giá trị tư tưởng trong bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ luôn là kim chỉ nam cho con đường cách mạng Việt Nam.
...là động lực, là bài học có ý nghĩa lịch sử quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An vận dụng và phát triển
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trong cả tỉnh Nghệ An đã thắng lợi rực rỡ trong vòng 9 ngày (17-26/8/1945). Đây là kết quả của cả một quá trình đấu tranh, lâu dài, đầy gian khổ, hi sinh; là tất yếu của những cuộc diễn tập nhiều xương máu, hi sinh của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít thực dân - phong kiến trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Ðộc lập được tuyên bố là động lực, là bài học có ý nghĩa lịch sử quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An vận dụng và phát triển. Từng bước cùng nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thi đua: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm"; tăng gia sản xuất, tiết kiệm, huy động mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến, góp phần thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Trên cơ sở xây dựng, bảo vệ quê hương ngày càng vững mạnh về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá – xã hội, và với trách nhiệm, nghĩa vụ đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, quân và dân Nghệ An đã đóng góp sức người, sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc trong bảo vệ yết hầu, tuyến lửa khu 4, bảo vệ hậu phương miền Bắc XHCN, ra sức chi viện cho chiến trường, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, góp phần làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá cách mạng của cơ quan phản gián Mỹ ngụy, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước sang thời kỳ đổi mới, Nghệ An đã và đang tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, ban hành các chương trình giải pháp, bảo đảm vận hành đồng bộ, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh đã từng bước giải quyết các vấn đề thách thức, từng bước ghi những dấu ấn trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc. Hiện nay, Nghệ An đang tập trung vào những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định và tháo gỡ các nút thắt mang tính căn cơ trong phát triển kinh tế, nhất là nút thắt trong phát triển hạ tầng trọng yếu; trong cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư... Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5,79%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm của cả nước (đạt 3,72%). Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt. Thu hút được 08 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 614 triệu USD; tiếp tục vươn lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ, chính sách. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Những kết quả bước đầu mà Nghệ An đạt được hiện nay là tiền đề, là bước đệm quan trọng cho các giai đoạn tiếp theo./.
Kim Lưu
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(Nguồn từ: nghean.dcs.vn)