Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An 65 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

Th.S Lê Thị Thanh Hoa

 Khoa Lý luận CT& Tâm lý GD

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, hệ thống giáo dục phổ thông phát triển mạnh, phủ sóng rộng khắp từ thành thị, đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trước nhu cầu cung cấp đội ngũ giáo viên phục vụ công tác dạy học và giáo dục thì việc mở thêm các trường Sư phạm trung cấp tại các địa phương ở miền Bắc là yêu cầu cấp thiết. Ngày 22/7/1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Nghị định số 379/NĐ thành lập các trường sư phạm trung cấp ở một số tỉnh, thành, khu, trong đó có Trường Sư phạm Trung cấp Nghệ An - tiền thân của trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Nghệ An ngày nay. Ngày 21/03/1978, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã ký Quyết định số 16/QĐ-TTg về việc công nhận chính thức một số trường CĐSP, trong đó có trường CĐSP Nghệ Tĩnh. Đến năm 1991, sau khi tách Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trường được đổi tên thành CĐSP Nghệ An.

Trong lịch sử phát triển của mình, trường CĐSP Nghệ An ngày nay là sự hội tụ của nhiều trường sư phạm đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ Tĩnh. Từ những ngày đầu thành lập với cơ sở vật chất chỉ là những dãy nhà tranh tre, nứa lá, thiếu thốn đủ bề; trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt với nhiều lần sơ tán, di chuyển địa điểm, nhưng đồng hành cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường đã luôn tâm huyết, tận tụy để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân giao phó. Những ngày đầu đầy gian khổ ấy là những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử phát triển của Nhà trường, trong kí ức của lớp lớp thầy cô và giáo sinh Sư phạm. Tất cả giáo viên và sinh viên đều dốc lòng, dốc sức cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của một trường sư phạm trọng điểm trong thời chiến. Các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, lao động công ích, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường luôn sôi nổi, nhiệt huyết, tạo không khí lạc quan, vui tươi, lành mạnh trong nhà trường. Nhiều thầy, cô giáo đã trở thành những tấm gương sáng và biểu tượng niềm tin được bao thế hệ học trò kính trọng, noi gương như cố Phó Giáo sư Ninh Viết Giao, các thầy giáo Nguyễn Hữu Du, Võ Văn Khải, Bùi Ngọc Trân, Lê Văn Đệ,…...             Rất nhiều các thế hệ học sinh, sinh viên (HSSV), học viên của nhà trường đã vượt lên mọi khó khăn thiếu thốn về tài liệu học tập và khó khăn trong cuộc sống để trở thành những người giáo viên giỏi, người lãnh đạo, quản lý có uy tín trong các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội...

            Truyền thống đó như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả quá trình phát triển của Nhà trường để đến ngày hôm nay, Nhà trường đã khẳng định được vị thế của mình trong sự nghiệp trồng người, đồng hành cùng ngành giáo dục trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng được trên 100 nghìn giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý cho các trường học từ Mầm non đến Trung học cơ sở cho Nghệ An và các tỉnh bạn; đào tạo 21 khoá tiếng Việt cho khoảng hơn 1.600 lưu học sinh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào; liên kết với các trường đại học bồi dưỡng khoảng 1.330 học viên đạt trình độ đại học; xây dựng và hoàn thành các chương trình đào tạo, các chương trình chi tiết giảng dạy, các chương trình bồi dưỡng, chuẩn hóa giáo viên có giá trị phục vụ công tác đào tạo và đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT.

Với những đóng góp của mình, Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Nghệ An. Với những thành tích nổi bật trong công tác đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và công tác đối ngoại nhân dân, nhà trường đã vinh dự được Thủ tướng CHDCND Lào tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại Việt Nam - Lào giai đoạn 2017-2022, cùng nhiều bằng khen của các tổ chức, cá nhân như Trung ương Hội Hữu Nghị Việt Nam - Lào, Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn nước CHDCND Lào...

Kể từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, với yêu cầu trình độ giáo viên ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở phải từ đại học trở lên thì cơ cấu đào tạo, các ngành nghề đào tạo của nhà trường có nhiều thay đổi. Ngoài tuyển sinh các lớp Trung cấp nghề, Nhà trường chỉ tuyển sinh ngành Cao đẳng Sư phạm Mầm non, không còn tuyển sinh ngành Sư phạm Tiểu học và các chuyên ngành đào tạo giáo viên bậc THCS. Là đơn vị sự nghiệp công lập với đội ngũ cán bộ, viên chức có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có cơ sở vật chất khang trang, Nhà trường đã được UBND Tỉnh cho phép thành lập Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thực hành sư phạm Nghệ An (trường THSP),  tuyển sinh các đối tượng học sinh phổ thông cấp Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trường THSP Nghệ An thực hiện chương trình dạy học chất lượng cao theo mục tiêu “Trường học hạnh phúc” của UNESSCO: giáo dục học sinh trở thành người: trách nhiệm, tự tin, có kỹ năng học tập suốt đời, có khả năng hội nhập trong khu vực và thế giới. Sau 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, trường THSP Nghệ An ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín của mình trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng như tạo dựng niềm tin của các bậc phụ huynh và của xã hội.

Để thực hiện sứ mạng của mình trong bối cảnh mới, Trường CĐSP Nghệ An đã chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; đầu tư về cơ sở hạ tầng vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học. Hiện Nhà trường có 15 đơn vị trực thuộc (6 khoa, 5 phòng, 2 trung tâm, 2 trường Thực hành sư phạm), 3 tổ chức chính trị và chính trị - xã hội. Tổng số viên chức, người lao động (tính đến 01/6/2024) là 173 người, trong đó có 35 nam, 138 nữ, 135 đảng viên. Về trình độ chuyên môn, có 13 Tiến sĩ, 131 Thạc sĩ, 26 Đại học và 3 trình độ khác. Nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, với các phòng học được trang bị máy tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ đạt chuẩn; có thư viện, có sân thể thao, nhà tập đa năng, bể bơi, ký túc xá phục vụ không chỉ sinh viên, lưu học sinh mà cả học sinh trường THSP; có hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm được trang bị đầy đủ, đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu, ứng dụng của cán bộ, viên chức, HSSV, lưu học sinh. Thông qua công các kiểm định, Nhà trường đã vinh dự được cấp chứng nhận “Đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tạo ban hành”. Kết quả đó được xem như là lời cam kết về chất lượng đào tạo mà nhà trường mang lại cho người học và các bên liên quan khác như: nhà tuyển dụng, các đối tác, xã hội.

Trước yêu cầu của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nhà trường đã và đang nỗ lực hết mình để bắt nhịp đúng xu thế đào tạo, tích cực, chủ động đổi mới và hội nhập về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng chương trình đào tạo; đổi mới các chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới nội dung, phương pháp dạy Tiếng Việt cho học sinh Lào với chương trình khung năng lực Tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của mình, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Nhà trường sẽ phải tiếp tục nỗ lực không ngừng để huy động mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, mở rộng quan hệ hợp tác, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý góp phần phát triển Nhà trường lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng.

 Kỷ niệm 65 năm thành lập là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử của nhà trường, để tôn vinh vai trò của các thế hệ nhà giáo, những người lao động và HSSV, học viên đồng thời là cơ hội cho các thế hệ Thầy, Trò gặp gỡ, giao lưu; là dịp để Nhà trường nhìn lại những gì đã làm được, từ đó tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thành sứ mạng đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.

file đính kèm:


Bài viết khác