Quá trình hình thành và phát triển khoa Mầm non - Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Nghệ An là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo giáo viên các bậc từ Mầm non đến THCS cho tỉnh nhà. Trong 65 năm, mỗi bước phát triển của Nhà trường đều có công sức của các thế hệ thầy, cô giáo từ các Khoa, Phòng, Ban chức năng, trong đó có Khoa Mầm non. Từ khi thành lập Trường đến nay, Khoa Mầm non đã trải qua nhiều mốc thời gian đáng nhớ.

I. Các trường Sư phạm, tiền thân của Khoa Mầm non

1. Trường sư phạm Mẫu giáo Nghệ An (1967- 1969)

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, mặc dầu chiến tranh diễn ra ác liệt nhưng ngành học Mẫu giáo của tỉnh nhà vẫn ngày càng phát triển. Nhu cầu về giáo viên cho ngành học này đang đặt ra bức xúc. Đáp ứng đòi hỏi của tình hình, năm 1967, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thành lập Trường Sư phạm Mẫu giáo Nghệ An.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường là cô Lê Thị Kim Soa, nguyên giáo viên cấp 2 Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An. Địa điểm đầu tiên của trường là xã Lăng Thành, huyện Yên Thành. Năm đầu tiên, tổng số giáo viên của trường là 20 người trong đó 07 người được đào tạo Trường Mẫu giáo Trung Ương, còn lại là giáo viên cấp 1 từng dạy mẫu giáo, vỡ lòng nhưng có năng khiếu múa hát, làm đồ chơi…Nguồn tuyển vào trường là những học sinh lớp 7, được hợp tác xã cử đi học, kinh phí do nhà nước đài thọ. Trong vài năm đầu (1967 - 1969), nhà trường mỗi năm đào tạo cho tỉnh nhà từ 200 đến 300 giáo viên mẫu giáo, giải quyết phần nào nhu cầu thiếu giáo viên đã đặt ra lúc bấy giờ.

2. Sự ra đời của Trường Sư phạm Mẫu giáo Nghệ An (1969)

Năm 1969, trường mẫu giáo mở ra nhiều nơi, cả miền xuôi lẫn miền ngược. Nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non cho giáo dục Nghệ An ngày càng cao. Để đẩy nhanh tốc độ đào tạo giáo viên Mầm non và tiện cho việc đi lại, ăn ở của học sinh, UBND tỉnh quyết định tách Trường Sư phạm Mẫu giáo Nghệ An làm thành 2 phân hiệu, một phân hiệu ở miền xuôi và một phân hiệu ở miền núi.

Phân hiệu miền xuôi đóng ở Hậu Thành (Yên Thành) do cô Lê Thị Kim Soa phụ trách, phân hiệu miền núi đóng ở Nghĩa Dũng (Tân kỳ) do cô Vi Thị Hùng phụ trách.

Cuối năm 1969, để tiện quản lý điều hành, UBND Tỉnh quyết định thành lập ra 2 trường từ hai phân hiệu thành Trường Sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ An và Trường Sư phạm Mẫu giáo miền núi Nghệ An.

3. Từ trường Trường Sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ An đến trường THSP Mầm non Nghệ An (1969-1996)

Sau một thời gian đóng ở Hậu Thành (Yên Thành), năm học 1973 -1974, trường Trường Sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ An chuyển về Nghi Phong (Nghi Lộc). Tháng 8/1976, sau khi nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Trường sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ An sáp nhập với Trường sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Hà Tĩnh thành trường Trường sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ Tĩnh do cô Phan Thị Lương làm Hiệu trưởng.

Quy mô đào tạo của Trường cũng được tăng lên gấp bội (400 học viên cho hệ 7 + 1 năm). Đội ngũ giáo viên được bổ sung nhiều hơn, có chuyên môn hơn. Toàn bộ phòng học, thư viện, hội trường, nhà mẫu giáo thực hành, nhà ăn tập thể được ngói hóa, thiết bị đồ dùng cho dạy và học được tăng lên.

Từ năm 1979 -1989, quy mô đào tạo của trường có sự thay đổi: Ngoài đào tạo giáo viên hệ 7+1 thì có thêm hệ 10+1, đào tạo giáo viên Trung cấp 10+2 (Nâng cấp đào tạo từ sơ cấp lên Trung cấp).

Tháng 10/1989 Trường Sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ An sáp nhập với Trường cô nuôi dạy trẻ Tỉnh thành Trường Sư phạm Nhà trẻ Mẫu giáo Nghệ Tĩnh do cô Đào Phi Yến làm Hiệu trưởng.

Từ năm học 1989 - 1990 đến năm học 1990 - 1991, Nhà trường đào tạo song song nhiều hệ, nhiều loại hình giáo viên khác nhau: cô nuôi dạy trẻ 9+1, giáo viên mẫu giáo 9+1, 10+1 và 10+2…

Cuối năm 1991, sau khi tách Tỉnh, trường mang tên mới: Trường Sư phạm nhà trẻ, mẫu giáo miền xuôi Nghệ An.

Năm học 1992 - 1993, theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An, Trường Sư phạm nhà trẻ, mẫu giáo miền xuôi Nghệ An sáp nhập với Trường Sư phạm mẫu giáo miền núi Nghệ An thành Trường Sư phạm Nhà trẻ, Mẫu giáo Nghệ An do cô Đào Phi Yến làm Hiệu trưởng.

Năm 1994, khi điều kiện đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất và kinh nghiệm quản lý của trường đã đủ, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập Trường THSP Mầm non Nghệ An.

Từ năm 1994 đến 1996, mỗi năm Nhà trường đào tạo khoảng 155 giáo sinh hệ 10+2, 55 giáo sinh 12+1 và bồi dưỡng khoảng 100 giáo sinh hệ 9+1+1, 12+1+1 năm, 55 giáo sinh 9+2, 9+3 hệ cử tuyển.

Từ năm học 1990 - 1991 đến năm học 1996 - 1997, hầu như năm nào nhà trường cũng hợp đồng với 1 số huyện để đào tạo giáo viên Mẫu giáo thuộc nhiều hệ khác nhau 9+1, 12+1 và bồi dưỡng quản lý Mầm non.

Trong những năm 1990 - 1996, Nhà trường có hẳn 1 trường Mầm non thực hành mang tên trường Hoa Mai nằm ngay trong lòng Trường Sư phạm làm cơ sở kiến tập, thực tập thường xuyên cho sinh viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Ngoài ra Trường còn lấy các trường nhà trẻ, mẫu giáo tiên tiến của thành phố Vinh làm cơ sở thực hành thường xuyên như: Mẫu giáo Quang Trung 1,2, Hồng Sơn, Hà Huy Tập, Hưng Bình, nhà trẻ Hoa Sen, Hoa Hồng…

4. Trường Trung học Sư phạm Nghệ An (Từ 1996 - 2001)

Tháng 10/1996, trước yêu cầu mới của việc nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý nhà trường, UBND Tỉnh ra quyết định sáp nhập Trường Trung học Sư phạm Mầm non và khoa Tiểu học của trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An (chủ yếu là giáo viên trường Trung cấp Sư phạm miền xuôi cũ nhập sang từ năm 1992) vào trường Trung học Sư phạm miền núi Nghệ An và lấy tên mới là Trường Trung học Sư phạm Nghệ An do thầy Nguyễn Thạc Nguyên làm Hiệu trưởng. Đến năm 1998 thầy về hưu và thầy Nguyễn Sỹ Lan làm Hiệu trưởng từ 1999 đến 2001. Trường chủ yếu đào tạo giáo viên Tiểu học và giáo viên Mầm non hệ Trung cấp 12+2, 9+3 và đào tạo lại giáo viên trên toàn tỉnh Nghệ An. Mảng đào tạo giáo viên Mầm non của trường Trung học sư phạm Mầm non do cô Lê Thị Hường phụ trách và đây chính là đội ngũ chuyên môn chủ chốt của khoa Mầm non hiện nay sau khi sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An năm 2001.

5. Khoa Mầm non - Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An (từ 2001- nay)

Ngày 18/6/2001, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 1886/QĐ-UB sát nhập Trường THSP Nghệ An vào Trường CĐSP Nghệ An với tên gọi chung là Trường CĐSP Nghệ An, cũng từ đó Khoa GDMN được ra đời.

Trưởng khoa đầu tiên là cô Lê Thị Hường, Phó Trưởng khoa là cô Ngô Thị Thủy. Khoa vẫn tiếp tục đào tạo giáo viên Mầm non hệ Trung cấp 12 +2, hệ cử tuyển (9+3). Khoa GDMN cũng được Nhà trường giao nhiệm vụ chuẩn bị chương trình, giáo viên chuẩn bị cho khóa đào tạo hệ Cao đẳng Sư phạm Mầm non. Năm học 2002 - 2003 là năm họ đầu tiên Khoa tuyển sinh và đào tạo sinh viên trình độ Cao đẳng Mầm non. Từ đó đến nay, hơn 20 năm, Khoa đã đào tạo cho Tỉnh nhà hàng ngàn giáo viên Mầm non hệ Trung cấp và Cao đẳng có chất lượng cao và được xã hội và các nhà tuyển dụng ghi nhận.

Năm 2018, khoa Giáo dục Mầm non đổi tên thành khoa Mầm Non, Trưởng khoa là cô Nguyễn Thị Quý Hoa, Phó Trưởng khoa là cô Trần Thị Phương Thảo. Năm 2024, nhà trường bổ sung thêm cô Nguyễn Thị Mai làm Phó Trưởng khoa phụ trách Trường Thực hành Mầm non, chuẩn bị cho Trường TH Mầm non thuộc CĐSP Nghệ An đi vào hoạt động. Hiện nay, Khoa Mầm non vẫn liên tục đào tạo sinh viên Cao đẳng Mầm non và bồi dưỡng cán bộ quản lý GDMN cho tỉnh Nghệ An.  

II. Vươn lên để khẳng định mình

Kế tục thành quả của các thế hệ đi trước và được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Nhà trường, khoa Mầm non hiện nay đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh và trưởng thành nhanh chóng. Khoa đã dần tạo lập được vị thế là một đơn vị tiêu biểu, là cánh chim đầu đàn có thành tích giảng dạy và học tập tốt, thường xuyên đổi mới trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, chú trọng rèn nghề cũng như mang lại một môi trường học tập năng động cho sinh viên. Ngoài ra, Khoa còn là đơn vị đi đầu trong việc bồi dưỡng giáo viên và CBQL ngành Mầm non cho tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên trong khoa còn là cốt cán chuyên môn cho ngành Mầm non của tỉnh, tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng GVMN; tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn dạy học ngành mầm non….

Hiện tại khoa Mầm non có 17 giảng viên trong đó có 17 thạc sỹ, và 02 GV đang học nghiên cứu sinh. Là Khoa duy nhất còn đào tạo sinh viên cao đẳng ngành Mầm non, đội ngũ giảng viên trong Khoa luôn hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình, không ngừng thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Để đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng cao theo kịp với xu thế phát triển của tình hình giáo dục trong nước và thế giới, các tổ bộ môn thường xuyên tổ chức các buổi dự giờ thăm lớp, đúc rút kinh nghiệm, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên nước ngoài. Nhiều giảng viên trong khoa đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh. Công tác NCKH của khoa có nhiều nét khởi sắc đáng tự hào. Giảng viên trong khoa đã tham gia nhiều dự án cấp Tỉnh, tham gia viết giáo trình, sách tham khảo cho sinh viên. Ngoài ra, một số giảng viên của khoa còn là cộng tác viên thường xuyên của các tạp chí chuyên ngành như Giáo dụcNgôn ngữ, Dạy học ngày nay, Thiết bị giáo dục, Ngữ học trẻ... Đội ngũ giảng viên trong khoa còn tham gia viết bài cho các hội thảo khoa học ở các trường CĐ và Đại học trong nước, tham gia đều đặn cho TBKH của trường ta và trường bạn. Khoa cũng rất chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho các giảng viên. Hàng năm khoa đều tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, tham gia hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cho cán bộ giảng viên.

Tiếp nối truyền thống của các thầy cô giáo, các thế hệ học sinh sinh viên khoa Mầm non cũng không ngừng phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức, rèn đức luyện tài, đặc biệt chú trọng công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Các em không chỉ được rèn luyện nghề nghiệp của mình ở trường mà còn được tôi luyện và thử thách trong các đợt kiến tập, thực tập tại các trường mầm non.

Khoa Mầm non đã phát huy, huy động được rất nhiều nội lực trong các hoạt động chuyên môn sinh động, hiệu quả và ngày càng khẳng định được thương hiệu trong chất lượng đào tạo giáo viên mầm non tương lai cho tỉnh nhà và cả nước. Khoa Mầm non trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các thế hệ HSSV trong suốt quá trình đào tạo. Chất lượng HSSV sau khi ra trường đã được các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu của ngành học và xã hội. Hàng năm, số lượng sinh viên ra trường hầu hết đều có việc làm trong hệ thống các trường công lập và tư thục trên địa bàn của tỉnh và cả nước.

          Có được những thành tựu đó là nhờ tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương nhân ái, đức tính ham học hỏi vốn đã trở thành truyền thống quý báu được duy trì liên tục trong mấy chục năm qua của các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa. Chúng ta tin rằng cùng với sự cố gắng không ngừng của tập thể CBGV và HSSV, khoa sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, phát triển hơn nữa trong thời đại mới, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân và các thế hệ đi trước.

 

tin tưởng của nhân dân và các thế hệ đi trước.

Tập thể viên chức Khoa Mầm non

Nguyễn Thị Quý Hoa - Trưởng khoa Mầm non

file đính kèm:


Bài viết khác