Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trong tình hình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển giáo dục của đất nước. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; cả cuộc đời, người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1).

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đôi ngũ thầy cô giáo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi thầy cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Người luôn có sự tin tưởng và mong muốn các thế hệ học sinh không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năn châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em” (2) Lời dạy của Người đã hiệu triệu, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trên cả nước tích cực thi đua dạy tốt- học tốt; trở thành chỉ dẫn mang tính chân lý phát triển của Việt Nam từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, bị thực dân, đế quốc đàn áp, bóc lột đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chủ động thích ứng với điều kiện và đối tượng trong quá trình dạy - học hiện nay. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”, và lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ rồi thì người đó dốt nhất.

Người luôn nhắc nhở các nhà giáo và cán bộ quản lý phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” Đây là đạo đức cách mạng” (3) và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho” (4) …

Bên cạnh việc nêu lên những điều mà nhà giáo phải làm cho tốt, Người còn dặn dò các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể… và quyết tâm: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”(5).

Có thể khẳng định, những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và học tập suốt đời và đổi mới về giáo dục của Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hơn 35 năm đổi mới và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...”(6) và “xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

2. Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên ở trường CĐSP Nghệ An trong tình hình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An thành lập năm 1959, trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã liên tục đổi mới về nội dung, phương thức đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo để trở thành một trường sư phạm có uy tín trong và ngoài tỉnh. Trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (1991, 2004, 2009), nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An. Là một trong những cơ sở giáo dục có bề dày truyền thống với chức năng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; và đào tạo một số ngành nghề ngoài sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ  sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiệm vụ chính là đào tạo, liên kết đào tạo và bồi dưỡng các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ trường học và một số ngành nghề ngoài sư phạm, phục vụ nhu cầu phát triển giáo dục đào tạo, kinh tế, xã hội; Đào tạo và bồi dưỡng Tiếng Việt cho học sinh và cán bộ một số nước trong khu vực; Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của thời kỳ đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, xây dựng xã hội học tập; đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ khác góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội.

Trong những năm qua nhà trường cũng đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường sao cho ngày càng hiệu quả, bám sát với nhu cầu thực tiễn của cán bộ, viên chức và các đơn vị trong trường đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, Trường có 183 cán bộ, giảng viên, trong đó có 13 tiến sĩ, 139 thạc sĩ, 28 đại học, 02 cao đẳng, 01 trung cấp; trình độ LLCT: 10 Cao cấp, 37 trung cấp, 75 sơ cấp, 61 chưa xác định.

Nhà trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thực hành Sư phạm Nghệ An từ năm học 2021-2022. Sau một năm hoạt động nhà trường đã đạt được những kết quả tốt, đây là điểm sáng trong hoạt động dạy và học hướng tới mô hình trường học hạnh phúc, phát triển tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân; giáo dục học sinh trở thành những công dân có trách nhiệm, tự tin, sáng tạo và có khả năng hội nhập khu vực và quốc tế. Trở thành một đơn vị thực nghiệm các mô hình, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục tiên tiến nhằm phát huy sự sáng tạo chủ động của học sinh. Khẳng định vị thế, uy tín của Trường CĐSP Nghệ An trong công tác đào tạo giáo viên và giáo dục học sinh phổ thông; tiên phong trong công cuộc đổi mới, triển khai các mô hình giáo dục hiện đại góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.

Trong tình hình mới trước những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn và phức tạp hơn đòi hỏi việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đặt ra cấp thiết. Để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên ở trường CĐSP Nghệ An cần thực hiện một số yêu cầu trên các mặt như sau:

Một là, Rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức đối với giảng viên. Trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa, người giảng viên thường xuyên được tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nắm bắt được những thông tin mới, đa dạng, nhiều chiều và hết sức phức tạp. Nếu không trang bị nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu thiếu hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về lịch sử đất nước và truyền thống văn hoá Việt Nam làm hệ quy chiếu để chắt lọc, lựa chọn những thông tin có ích cho  dân, cho nước thì họ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hóa gây ra, làm suy yếu chất lượng nguồn lực trí tuệ của dân tộc.  Bởi  lẽ, một trong những chức năng, nhiệm vụ của người trí thức nói chung, nhà giáo  nói riêng là tuyên truyền văn hoá, giáo dục và đào tạo nâng cao dân trí,  hình mẫu nhân cách cho xã hội. Một khi có được bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng trước những tác động tiêu cực, họ chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, thực hiện công tác giáo dục truyền thống của dân tộc, lý tưởng, đạo đức cách mạng và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Trước những yêu cầu thực tế của nhà trường mỗi giảng viên luôn phải nêu cao tinh thần xung phong, gương mẫu trong thực hiện các đề án vị trí, việc làm nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên có chất lượng cao cho trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thực hành Sư phạm.  

Hai là, Nâng cao năng lực chuyên môn đối với giảng viên.

Mỗi giảng viên phải luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt. Người yêu cầu, ngày nay không thể lãnh đạo chung chung được nữa, chỉ có lòng nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có tri thức nữa. Vì vậy mỗi giảng viên phải là tấm gương học suốt đời. Trong nghề dạy học, chất lượng học tập của học sinh và chất lượng hoạt động sư phạm của thầy có tương quan tỉ lệ thuận với nhau, để đảm bảo chất lượng học tập của học sinh cần quy định về trình độ năng lực của thầy. Vì thế, chuyên nghiệp hóa nghề dạy học là cam kết của ngành đối với xã hội về chất lượng của lực lượng lao động nghề, đó cũng là cách để khẳng định giá trị của nghề sư phạm trong xã hội. Để đáp ứng được yêu cầu thực tế của nhà trường mỗi giảng viên cần phải tiếp cận chương trình giáo dục mới để tham gia giảng dạy có hiệu quả ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở thực hành sư phạm cũng như tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường.

Ba là, Mỗi giảng viên phải là nhà canh tân xã hội. Nói như nhà triết học chuyên nghiên cứu về tâm lý học thực hành và chuyên về sư phạn Dewey “giáo dục là phương pháp cơ bản của tiến bộ và cải cách xã hội”. Giáo dục bản thân nó là để làm thay đổi, làm mới người học và qua đó làm mới xã hội theo hướng tăng trưởng, tích cực. Người thầy với chức năng giáo dục của mình sử dụng tri thức và kỹ năng sư phạm để làm cho học sinh được giáo hóa, thay đổi và trưởng thành, như là kết quả của quá trình học tập của người học. Công tác đó người thầy không làm đơn độc mà luôn có sự cộng tác, phối hợp và hỗ trợ của các thành phần khác trong xã hội, trước hết là của người học, cha mẹ các em và các đồng nghiệp. Sứ mệnh đó còn nhận được sự bảo trợ của xã hội và của chính quyền. Cùng chung mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ, những đề xuất sư phạm dễ dàng nhận được sự ủng hộ, phối hợp của những thành viên khác trong xã hội.

Bốn là, Giảng viên phải là nhà nghiên cứu thực hành. Trong thực tiễn của nhà trường, lớp học luôn tồn tại những yếu tố có ảnh hưởng không mong đợi đến việc dạy và việc học. Để duy trì và phát triển nhà trường với tư cách là một thể chế xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động là một mục tiêu chiến lược. Vì thế, nghiên cứu và giải quyết những vấn đề nảy sinh, cải tạo những yếu tố cản trở là nhiệm vụ thường xuyên của người làm giáo dục. Điều này nhấn mạnh rằng người thầy mới chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục ở nhà trường. Đó là lý do chính để đòi hỏi người thầy phải suy nghĩ và hành xử như một nhà nghiên cứu, giải quyết vấn đề của thực tiễn lớp học, thực tiễn nhà trường

Năm là, Giảng viên phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp. Vai trò của nhà giáo dục chuyên nghiệp là thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội và phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy và năng lực hành động trên những luận cứ khoa học và nhân văn. Người thầy trước hết phải là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi là giáo dục và dạy học, hay giáo dưỡng. Điều này nhấn mạnh trách nhiệm trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết thế giới khách quan, cách học để học sinh không ngừng phát triển nhận thức, trí tuệ, có thế giới quan khoa học và đồng thời, có trách nhiệm tạo ra những cơ hội hoạt động và giao lưu trong lớp học, trường học và trong cộng đồng để xây dựng sức khỏe thể chất và tinh thần, những xúc cảm và kỹ năng cần thiết, cơ bản cho nhân sinh quan của học sinh. Vì thế, việc hỗ trợ cho học tập và phát triển của học sinh được xem là điều kiện sống còn cho sự thành công của người thầy./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 7, 187, 35.

(3)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.14., tr.403

(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.15, tr.507, 507

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. II, tr.338.

file đính kèm:


Bài viết khác