65 năm Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, một số dấu ấn lịch sử

Nguyễn Lâm Huy

                                             Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng NV&KNM

I. TRƯỜNG SƯ PHẠM LIÊN KHU IV, NƠI KHỞI NGUỒN CỦA CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM Ở NGHỆ AN.

Tháng 10 năm 1950, thực hiện chủ trương của Trung ương và của Liên khu IV (SPLK4), Trường Sư phạm Trung cấp Liên khu IV được hình thành bên cạnh Trường Cấp 3 Phan Đình Phùng, đặt tại Châu Phong, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những trường sư phạm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, làm nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nhà giáo cho nền giáo dục cách mạng non trẻ.

Kết thúc năm học 1950-1951, Trường chuyển về thôn Nhân Bồi, xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nói là trường nhưng cơ sở vật chất chưa có gì. Lớp học đặt trong đình chùa, thầy và trò ở trọ trong nhà dân, sách giáo khoa không có, thầy phải tự soạn lấy giáo án để lên lớp. Năm 1952, Trường được sáp nhập thêm Trường Sư phạm Sơ cấp Liên khu IV từ Thanh Hoá chuyển vào và đổi tên thành Trường Sư phạm Liên khu IV. Vì chiến tranh, Trường phải từ Nhân Bồi chuyển xuống Rạng, Kẻ Mơ, ra Chợ Rồng, lên Duy Tân, sang Cát Ngạn, rồi lại xuống Vinh, xuống Xuân La (thuộc huyện Nam Đàn). Trường tồn tại đến năm 1954 thì giải tán.

Tháng 9 năm 1955, Trường SPLK4 được tái thành lập, đặt tại thị xã Vinh, cạnh đường Lê Mao hiện nay. Thời gian này, Trường bỏ hệ trung cấp, tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 7, đào tạo thành giáo viên cấp 1. Trường tồn tại hai năm, đào tạo 2 khoá được 1.400 giáo viên cấp 1, cung cấp không những cho các trường học trong Liên khu IV mà còn cung cấp cho cả các tỉnh khác trong cả nước. Năm 1957, Liên khu IV giải thể, Trường SPLK4 cũng giải thể theo.

Chỉ hình thành, phát triển trong khoảng 7 năm, nhưng đội ngũ thầy và trò Trường Sư phạm Liên khu IV đã vượt qua muôn vàn khó khó khăn của thời kỳ kháng chiến 1950-1954 và những ngày đầu sau hoà bình 1954-1957, phát huy nội lực tự đào tạo, tự vươn lên, hoàn thành tốt vai trò của mình, làm nền móng vững chắc cho ngành học sư phạm của các tỉnh thuộc Liên khu IV nói chung, ngành học sư phạm Nghệ An nói riêng xây dựng và phát triển sau này. Nhà trường đã đào tạo được 2.300 giáo viên cho nền giáo dục cách mạng, đây là vốn quý của ngành giáo dục trong những ngày đầu gian khó, cũng là công lao đóng góp của các thầy giáo, cán bộ, học sinh của Trường đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Nghệ An nói riêng.

Với tỉnh Nghệ An, trường Sư phạm Liên khu IV đã nhiều năm đóng trên mảnh đất này, vì vậy, các trường sư phạm của tỉnh ra đời vào những năm sau đó, có điều kiện để kế thừa trực tiếp những kinh nghiệm quản lý và đào tạo của trường này. Một số thầy giáo và cán bộ công nhân viên chức của trường Sư phạm Liên khu IV sau đó đã về công tác tại các trường Sư phạm trung, sơ cấp của tỉnh Nghệ An. Vì thế, có thể coi trường Sư phạm Liên khu IV là tiền thân của nhiều trường sư phạm ở Nghệ An, trong đó có trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An ngày nay.  Có thể nói rằng trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An ngày nay là "hậu duệ" của trường Sư phạm Liên khu IV xưa.

II. TRƯỜNG TRUNG CẤP SƯ PHẠM NGHỆ AN, TIỀN THÂN  CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NGHỆ AN NGÀY NAY.

Những năm cuối thập kỷ 55 của thế kỷ trước, khi kế hoạch ba năm cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế và văn hoá ở miền Bắc đạt được những thành tựu to lớn thì sự nghiệp giáo dục cũng có bước phát triển mới. Nhiều tỉnh ở miền Bắc tích cực chuẩn bị mở trường sư phạm đào tạo giáo viên cung cấp cho các trường phổ thông cấp I, cấp II.

Ngày 18/07/1959, Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1245-CB về chuẩn bị bộ máy cán bộ, giáo viên để thành lập Trường Sư phạm Trung cấp Nghệ An.

Ngày 22/07/1959, Bộ trưởng Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Nguyễn Văn Huyên đã ban hành Nghị định số 379/NĐ thành lập các trường sư phạm trung cấp ở một số tỉnh, thành, khu, trong đó có Trường Sư phạm Trung cấp Nghệ An.

Thực hiện theo Nghị định đó và thực thi Quyết định của Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An, sau một thời gian chuẩn bị, Ty Giáo dục Nghệ An đã chọn khu Nhà Dòng (cũ), thuộc khu vực Cổng Chốt của thị xã Vinh (đường Trần Hưng Đạo ngày nay) làm địa điểm đặt trường trường Sư phạm Trung cấp đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Cho đến ngày 16/12/1959, bộ máy nhà trường đã cơ bản hoàn thiện và đi vào hoạt động. Ngày 16/12/1959 được coi là mốc lịch sử hình thành Trường trung cấp sư phạm Nghệ An tiền thân của trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An ngày nay.

III. TỪ TRƯỜNG SƯ PHẠM TRUNG CẤP NGHỆ AN ĐẾN TRƯỜNG SƯ PHẠM 10+3 VÀ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM (1959-2001)

1. Giai đoạn Sư phạm Trung cấp (1959-1971)

Năm học đầu tiên (1959-1960): Trường Sư phạm Trung cấp Nghệ An tuyển học sinh tốt nghiệp cấp 2 để đào tạo giáo viên. Năm đó, trường lấy khoảng 255 người để  mở 5 lớp đào tạo theo chương trình sư phạm trung cấp hệ 7+2 thuộc 2 ban Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Ngoài ra, trong năm học đầu tiên này, trường còn tuyển 200 giáo viên đã dạy cấp I, có thành tích công tác, bồi dưỡng theo chương trình sư phạm trung cấp một năm để lên dạy cấp II.

Cơ sở vật chất của Nhà trường lúc này còn thiếu thốn nhiều thứ. Một dãy nhà ngói của Nhà Dòng (cũ) được dùng làm nơi làm việc của Hiệu bộ, 6 dãy nhà tranh tre, nứa mét mới được dựng lên dùng làm lớp học và khu nội trú cho thầy và trò.

Đội ngũ giáo viên của Trường, tuy số lượng còn ít, phần đông tuổi nghề chưa cao, nhưng năng lực chuyên môn vững vàng. Giáo viên của trường Sư phạm lúc bấy giờ làm việc rất hăng say, họ thường xuyên dự giờ thăm lớp, sinh hoạt trao đổi chuyên môn, báo cáo ngoại khoá, đi thăm quan thực tế, làm đồ dùng dạy học, phụ đạo cho giáo sinh, làm vườn thí nghiệm sinh vật, địa lý, hướng dẫn thực hành sư phạm v.v...

Từ năm học 1960-1961 đến năm học 1961-1964: Trường đào tạo thêm 3 khoá 7+2. Riêng năm học 1961-1962, do thiếu giáo viên cấp II, nên một số giáo sinh được đào tạo theo chương trình hệ 7+2, mới học một năm đã phải ra trường giảng dạy ở cấp II, sau đó mới về học tiếp trong hè cho hết chương trình.

Song song với việc đào tạo hệ  7+2, từ năm học 1960-1961 đến năm học 1963-1964, Nhà trường đã mở thêm hệ bồi dưỡng hàm thụ cho đối tượng là giáo viên cấp I.

Về sau, do số lượng giáo sinh học theo hình thức hàm thụ tăng, để dễ dàng quản lý và điều hành, Nhà trường đã lập ra Tổ Hàm thụ.

 Năm học đầu, do số người chuyên trách hàm thụ chỉ có hai, nên học viên mỗi ban chỉ học được hai môn. Ban khoa học Tự nhiên học Toán-Lý, Ban khoa học xã hội học Văn-Sử. Năm học sau (1962-1963), số học viên tăng mạnh gồm: giáo viên cấp I học hàm thụ để lên dạy cấp II và trên 200 giáo viên cấp II mới đào tạo được 1 năm ở trường bây giờ phải học thêm một thời gian nữa để có bằng tốt nghiệp sư phạm cấp II (7+2) hoàn chỉnh. Số lượng học viên hàm thụ lúc này là 1.300 người.

Năm học 1963-1964: Trường được chuyển đến cơ sở mới thuộc xã Hưng Đông (trước trạm điện 110KVA hiện nay). Đến đây, Trường có cơ sở vật chất khang trang hơn trước: có nhiều phòng học lợp ngói bán kiên cố, rộng, sáng sủa, đủ kích thước quy định. Trường có sân bãi cho giáo sinh tập thể dục và vui chơi, có phòng thư viện, có nhà chiếu phim, nhà thí nghiệm, xưởng trường... Lúc bấy giờ có được cơ ngơi này để dạy và học là cả một niềm vui lớn đối với thầy và trò.

 Năm học 1964-1965: Do nhu cầu về giáo viên phổ thông cấp II ở Nghệ An đã tạm đủ, vì thế nhà trường không tuyển hệ chính quy mà chỉ tập trung vào công tác bồi dưỡng giáo viên.

Những năm 1965- 1971: Trường sơ tán lên Thanh Chương, đào tạo giáo viên hệ 7+3, 10+1...

Ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ dùng máy bay điên cuồng đánh phá miền Bắc nước ta. Thành phố Vinh là một trong số những trọng điểm đánh phá đầu tiên của địch. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định sơ tán Trường về xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, thực hiện quyết định của lãnh đạo trường, thầy trò đã chuyển nhanh những trang thiết bị quan trọng phục vụ cho dạy và học về nơi sơ tán đầu tiên này.

Trường vừa sơ tán về Hưng Tây được ít hôm thì ngày 13/9/1965 đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom phá huỷ toàn bộ cơ sở vật chất còn lại ở xã Hưng Đông của nhà trường. Nhờ có sự chỉ đạo sơ tán kịp thời nên thầy và trò được an toàn, thiết bị đồ dùng dạy học cần thiết được bảo vệ.

Hưng Tây vẫn là nơi gần Thành phố Vinh, trọng điểm đánh phá của địch. Để đảm bảo an toàn hơn, tháng 10/1965, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu trường lại một lần nữa quyết định di chuyển toàn bộ nhà trường lên huyện Thanh Chương.

Ở huyện Thanh Chương, Trường đóng trên nhiều xã: Thanh Lâm, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Tùng, Thanh Giang. Nơi làm việc và nơi ở của thầy trò phải dựa vào nhà dân. Lớp học được làm bằng tranh tre, nứa mét đơn sơ, nhưng ở đâu cũng có hầm hào trú ẩn kiên cố. Những năm sơ tán ở Thanh Chương, nhiều hôm do máy bay địch đánh phá ác liệt, đường bị tắc nghẽn, cả thầy và trò đều không có gạo ăn. Những lúc ấy, nhờ có sự giúp đỡ tận tình của nhân dân mà thầy và trò đã không lúc nào bị đứt bữa. Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Mai đã cho trường vay nhiều tấn gạo. Nhân dân các xã nơi sơ tán ấy đã từng nhường chỗ nằm, chỗ làm việc và nhường cả từng bát cơm, củ sắn cho thầy và trò. Sự giúp đỡ chí tình của nhân dân các xã Thanh Lâm, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Tùng, Thanh Giang trong những năm sơ tán gian khổ ấy là những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử tồn tại phát triển của trường.

2. Giai đoạn sư phạm 10+3 (1971- 1979)

Mặc dầu chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt nhưng sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Yêu cầu mới đang đặt ra bức thiết là phải làm sao nâng cấp đào tạo giáo viên cấp 2 từ hệ 7+3 lên hệ 10+3. Có như vậy mới đáp ứng được quy mô và chất lượng  đội ngũ giáo viên của thời kỳ mới.

Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và UBND tỉnh Nghệ An, Trường sư phạm trung cấp Miền xuôi, xúc tiến việc chuẩn bị mở hệ đào tạo giáo viên cấp 2 mới: hệ sư phạm cấp II 10+3.

Từ đầu năm 1970, để chuẩn bị mở hệ này, nhà trường đã cử một đoàn cán bộ ra Quỳnh Lưu nghiên cứu chương trình đào  tạo giáo viên cấp II của trường Đại học sư phạm Vinh. Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường đã đưa vấn đề đào tạo giáo viên cấp II hệ sư phạm 10+3 ra thảo luận, nghiên cứu, nhằm làm cho mọi người quán triệt chương trình, mục tiêu đào tạo. Mặc dầu còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường đã cố gắng mua thêm đồ dùng dạy học, giáo trình và tài liệu tham khảo để giáo viên có điều kiện tiếp cận nhanh với chương trình hệ đào tạo sư phạm 10+3. Nhờ cố gắng cao độ, mà trong một thời gian ngắn, giáo viên của trường đã vươn lên tiếp cận được chương trình.

Năm học 1971- 1972: Nhà trường bắt đầu chiêu sinh hệ sư phạm 10+3, cũng từ đây trường mang tên mới: Trường Sư phạm cấp II  10+3 Nghệ An.

Để có lực lượng giáo viên đủ năng lực và điều kiện đào tạo hệ Sư phạm 10+3, Ty Giáo dục Nghệ An đã bổ sung cho trường nhiều giáo viên giỏi. Các giáo viên của trường dù mới hay cũ đều cố gắng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngày 27/01/1973 Hiệp định Pa ri được ký kết, miền Bắc có hoà bình. Sự kiện này tạo ra thuận lợi mới cho hoạt động dạy và học của Nhà trường. Được sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, Trường đã từ Thanh Chương chuyển về địa điểm mới, nằm giữa hai xã Nghi Đức và Nghi Phong, cách thành phố Vinh 8 km về phía đông.

Trong 20 năm, từ năm 1959 đến năm 1979, Trường Sư phạm Trung cấp có 12 năm hoạt động trong hoà bình, 8 năm trong chiến tranh, phải di chuyển nhiều địa điểm: Từ Nhà Dòng, Hưng Đông sang Hưng Tây, lên Thanh Chương, về Kỳ Đẳng Điền (Nghi Đức, Nghi Phong).

Từ buổi đầu chỉ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sư phạm hệ 7+2, 7+3 theo hai ban (KHTN, KHXH), Trường đã chuyển dần lên đào tạo Hệ Sư phạm 10+1, 10+3 với nhiều ban khác nhau cung cấp cho ngành giáo dục một đội ngũ giáo viên cấp 2 đông đảo lên tới 6.714 người.

3. Giai đoạn Cao đẳng sư phạm (1979- 2001).

Để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của cách mạng trong thời kỳ mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đã đề ra chủ trương sẽ tiến hành cải cách giáo dục ở nước ta. Để đón đầu cải cách giáo dục, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 291-QĐ/CP thành lập các trường cao đẳng sư phạm địa phương.

Ngày 21/03/1978, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã ký Quyết định 164/QĐ-TTg thành lập Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ Tĩnh. Theo Quyết định đó, UBND tỉnh và Sở Giáo dục Nghệ Tĩnh đã từng bước triển khai việc thành lập trường cao đẳng sư phạm tỉnh nhà.

Năm học 1979 - 1980, việc sáp nhập hai Trường sư phạm cấp II 10+3 Nghệ An (lúc ấy gọi là Trường Sư phạm 10+3 Vinh) và Sư phạm 10+3 thị xã Hà Tĩnh đã được thực thi. Năm học 1979-1980, Nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình CĐSP ở các hệ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cấp II.

Đối với hệ đào tạo, trong những năm từ 1979 đến 1988, Nhà trường thực hiện đào tạo ghép môn theo diện hẹp (2 môn) như sau: Văn - Sử, Văn - Nhạc, Sử - Chính trị, Sử  -  Đoàn đội, Toán - KTCN, Lý -  KTCN, Địa - Hoá, Thể dục - Vệ sinh… Cùng thời gian nói trên, đối với hệ bồi dưỡng giáo viên cấp II lên trình độ CĐSP, Nhà trường thực hiện bồi dưỡng một số môn theo chương trình CĐSP như: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hoá, Sinh, Thể dục…

Từ năm học 1988-1989 đến năm học 1995 - 1996, Nhà trường chuyển sang thực hiện chương trình đào tạo mới. Đối với hệ đào tạo, việc ghép môn được thực hiện theo diện rộng như: Văn Sử GDCD, Sinh Hoá Địa KTNN, Toán KTCN, Sinh –Hoá KTNN, Thể dục Đoàn đội - GDCD, Thể dục Sinh vật GDCD...

Từ năm học 1996-1997 đến năm 2001, Nhà trường chuyển sang thực hiện "Mục tiêu, kế hoạch đào tạo giáo viên THCS trình độ CĐSP". Với chương trình đào tạo này, trong thời gian 3 năm, sinh viên được học hai khối kiến thức: khối kiến thức giáo dục đại cương 70 ĐVHT và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 100 ĐVHT. Song song với việc thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên THCS đạt trình độ CĐSP nói trên, trong những năm 1992-1996, nhà trường còn thực hiện chương trình đào tạo giáo viên tiểu học có trình độ THSP.

Việc bồi dưỡng giáo viên THCS có trình độ sư phạm 10+3 lên CĐSP một môn, cũng được tiến hành từ năm học 1987-1988 đến hết năm học 1994-1995.

Để tăng cường giáo viên cho miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, Nhà trường mở các lớp cử tuyển tạo nguồn. Chương trình các lớp cử tuyển do cán bộ giảng dạy của trường dự thảo, lãnh đạo nhà trường phê duyệt và được thực hiện từ năm học 1989-1990 đến năm 2000.

Mặc dầu trong những năm từ 1979 đến năm 2001, Nhà trường phải thực hiện nhiều chương trình đào tạo bồi dưỡng khác nhau, nhưng với tinh thần phấn đấu cao, cán bộ giảng dạy của Trường đã biên soạn nhiều giáo trình, bài giảng và thực hiện chương trình đúng tiến độ, đúng quy chế chuyên môn của Bộ GD&ĐT.

Tính chung, từ năm 1979 đến năm 2000, Trường CĐSP Nghệ An đã đào tạo được:

- 5.407 sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo giáo viên THCS

- 2.106 học viên hệ bồi dưỡng giáo viên cấp II đạt trình độ CĐSP

- 731 học viên hệ bồi dưỡng Sư phạm 10+3 lên CĐSP

- 2.522 học viên hệ THSP

- 551 học viên là giáo viên cấp I bồi dưỡng lên CĐ tiểu học

IV. SÁP NHẬP TRƯỜNG TRUNG HỌC SƯ PHẠM VÀO TRƯỜNG CĐSP NGHỆ AN (2001) CHO ĐẾN NAY

Sau nhiều năm thực hiện đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt. Để đưa đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá, Đảng chủ trương phát  triển mạnh mẽ giáo dục và tiếp tục khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đâù. Tuy nhiên, muốn cho sự nghiệp giáo dục phát triển thì trước tiên cần phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên.

Nắm vững tinh thần chung đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của tỉnh nhà, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An đã có chủ trương hợp nhất các trường sư phạm trong tỉnh thành một.

Theo tinh thần đó, ngày 18/6/2001 UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 1886/QĐ-UB sáp nhập Trường THSP Nghệ An vào Trường CĐSP Nghệ An với tên gọi chung là Trường CĐSP Nghệ An.

Lúc mới nhập trường, Đảng bộ Nhà trường có khoảng 210 đảng viên, sinh hoạt ở 18 chi bộ (có 2 chi bộ học sinh, sinh viên).

Tổ chức Công đoàn Nhà trường trực thuộc Công đoàn ngành GD&ĐT Nghệ An với trên 400 đoàn viên, 17 Công đoàn bộ phận. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường có 4000 đoàn viên tổ chức thành 6 Liên chi đoàn và gần 60 chi đoàn, trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An.

- Trường có 6 khoa đào tạo là các khoa: Xã hội, Tự nhiên, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục thể chất - Nhạc - Họa - Đoàn đội, Giáo dục Mầm non và Ngoại ngữ

- Có 04 phòng, ban là: Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức chính trị - Công tác học sinh sinh viên, Phòng Hành chính - Quản trị, Ban Quản lý ký túc xá & nhà ăn và 01 Trung tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý & giáo viên.

- Có 03 tổ bộ môn trực thuộc: Tổ Mác - Lê nin, tổ Tâm lý - Giáo dục, tổ Tin học và 02 tổ phục vụ là tổ Thiết bị- Thư viện và tổ Tài vụ.

Sau khi sáp nhập Trường THSP vào Trường CĐSP Nghệ An số lượng cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường lên tới 459 người. Việc đầu tiên là phải ổn định tổ chức, sắp xếp lại bộ máy nhân sự. Nhà trường đã chủ động xây dựng Đề án "Nâng cấp toàn diện trường CĐSP Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển các cấp học từ Mầm non đến THCS của tỉnh nhà giai đoạn 2002-2010". Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 1948, ngày 03/06/2003).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ nhà trường, sự quan tâm chỉ đạo của Thành uỷ Vinh, của UBND tỉnh, của ngành GD&ĐT, trường nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy khoa, phòng, ban... điều chuyển giáo viên, nhân viên giữa các đơn vị… Nhờ vậy, sau sáp nhập Nhà trường vẫn ổn định, phát triển. Khi Điều lệ trường cao đẳng được ban hành, các Nghị định về tăng cường quyền tự chủ của trường đại học, cao đẳng, các chỉ thị, nghị quyết về củng cố xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý .v.v... được triển khai, nhà trường đã tiến hành xây dựng: "Quy chế tổ chức bộ máy và hoạt động của trường CĐSP Nghệ An". Theo đó, bộ máy nhà trường  gồm: 07 khoa đào tạo: Tự nhiên, Xã hội, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục thể chất- Nhạc- Họa- Công tác Đội, Ngoại ngữ, Bồi dưỡng Cán bộ quản lý & GV; có 05 phòng: Đào tạo và NCKH, Tổ chức và đối ngoại, Hành chính- Quản trị, Công tác HSSV, KH-TC; 03 tổ bộ môn trực thuộc: Mác- Lê Nin, Tâm lý- giáo dục, Tin học; 01 tổ phục vụ đào tạo: Tổ Thiết bị-Thư viện.

Tính đến nay Trường CĐSP Nghệ An là sự hội tụ của 16 trường sư phạm thành viên, từng hình thành phát triển và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua mọi giai đoạn lịch sử của nền giáo dục cách mạng. Trải qua 65 năm xây dựng phát triển, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, của UBND tỉnh Nghệ An, và có sự phối hợp đồng hành của Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An; được sự giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân địa phương, đặc biệt là những nơi trường đóng. Với sự phấn đấu liên tục, vượt qua bao khó khăn, gian khổ của các thế hệ cán bộ quản lý, giảng viên, viên chức và học sinh, sinh viên để viết nên những trang sử vàng truyền thống vẻ vang và đầy tự hào của nhà trường.

Hiện tại trường có 14 đơn vị trực thuộc gồm 6 khoa, 5 phòng, 2 trung tâm,  01 Trường tiểu học và THCS thực hành SP Nghệ An, 3 tổ chức chính trị và chính trị - xã hội. Tổng số viên chức, người lao động (tính đến 01/6/2024) là 173 người, trong đó có 35 nam, 138 nữ, 135 đảng viên. Về trình độ chuyên môn, có 13 Tiến sĩ, 131 Thạc sĩ, 26 Đại học và 3 trình độ khác. Bước vào giai đoạn mới trước sự nghiệp đổi mới của nền giáo dục nước nhà, cùng với một số đề án của tỉnh về tổ chức bộ máy trong đó có việc sáp nhập Trường CĐSP Nghệ An vào Trường ĐH kinh tế Nghệ An đổi tên thành Trường ĐH Nghệ An. Đây vừa là thời cơ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đảng bộ và Nhà trường luôn kiên định và xác định mục tiêu, lấy việc Giáo dục, Đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm của trường để xây dựng các đề án theo hướng mở rộng các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT, từng bước đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo giáo viên mầm non, đào tạo trung cấp nghề, bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng chuẩn nghề nghiệp cho CBQL, giáo viên các trường mầm non và phổ thông; bồi dưỡng các lớp kỹ năng, năng khiếu theo nhu cầu xã hội; đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh các tỉnh của nước CHDCND Lào…   

Cán bộ, công chức, viên chức Trường CĐSP Nghệ An hôm nay luôn tự hào là được kế tục các thế hệ cha anh để phấn đấu cống hiến và tiếp bước xây dựng nhà trường không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

65 năm một chặng đường lịch sử là quá trình phấn đấu liên tục của cả một tập thể sư phạm đầy tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Công lao của họ mãi mãi trường tồn với sự phồn vinh, giàu đẹp của đất nước, quê hương

file đính kèm:


Bài viết khác